Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng phải nhập viện. Trong đó có 10 trường hợp nhiễm chủng virus EV71.
Chủng virus EV71 có nguy cơ tử vong ở trẻ
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số các ca mắc tay chân miệng nhập viện thì có một số trường hợp biến chứng khác hơn so với mọi năm có liên quan đến các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh trung ương.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Trong số các virus đường ruột, EV71 và coxsackievirus A16 (CA16) là các tác nhân phổ biến gây bệnh tay chân miệng. Trong khi nhiễm CA16 thường gây bệnh nhẹ và ít gây biến chứng thần kinh. Nhiễm EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. “Hiện nay tại miền Bắc, nhóm mắc tay chân miệng do virus EV, đặc biệt là EV71 không nhiều”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.
Gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng, đặc biệt có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh thành phố phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc giảm hơn 25% nhưng tác nhân gây bệnh do virus EV71 có tỷ lệ cao hơn thời gian trước đây nên làm tỷ lệ bệnh nặng cao hơn. Hiện nay, tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…số ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng.
Tại TP.HCM, tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499, trong đó số ca nhiễm virus EV71 chiếm khoảng 25%.
(Nguồn: Sài Gòn Online)
Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh tay chân miệng hiện đang vào mùa, với số bệnh nhân thường tăng cao vào tháng 8 đến tháng 11. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa nhiễm virus EV71 tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ở trong không gian thoáng, sạch, các bề mặt trẻ tiếp xúc như sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngũ phải sạch sẽ.
Khi trẻ bị tay chân miệng, cần cách ly trẻ ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. (Ảnh minh họa: KT) |
“Cha mẹ lưu ý cần cô lập các chất xúc tiếp của các cháu như phân, nước mũi, chất nôn, đảm bảo không bị lây nhiễm với các cháu khác. Khi mắc bệnh cần đưa đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.
Nhằm giảm thiểu số trẻ mắc bệnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn về việc “tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành trên cả nước.
Cục Y tế Dự phòng đề nghị ngành Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông, phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, trọng điểm là nhà trẻ, trường mẫu giáo; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch ở vị trí thuận tiện phục vụ trẻ và người chăm sóc trẻ; vệ sinh hàng ngày khu vui chơi, đồ chơi cho trẻ; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý khi xảy ra ổ dịch.
Các bệnh viện cần tổ chức tốt công tác thu dung điều trị, củng cố các đội chống dịch lưu động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch cấp cứu điều trị khi cần thiết…
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện một số khuyến cáo như: Cần rửa tay thường xuyền bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt là sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm-mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn hoặc vật dụng ăn uống.
Các nhà trẻ mẫu giáo, nơi trông trẻ cần thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang, bàn ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý tốt.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác; Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi trẻ khởi bệnh. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị, hướng dẫn theo dõi kịp thời./.
Xem thêm các tin tức khác tại đây
Nguồn: Báo điện tử đài tiếng nói Việt Nam