TTO – Những ngày qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận điều trị gần 30 ca bệnh nhi sốt cao sau khi tiêm văcxin ComBE Five. Nhiều tỉnh khác cũng có nhiều ca gặp phản ứng sau tiêm văcxin này.
Ngày 30-12, BS Hồ Việt Mỹ – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định – cho biết từ ngày 25-12 đến nay, khoa nhi của bệnh viện tiếp nhận điều trị gần 30 ca bệnh nhi sốt cao sau khi tiêm văcxin ComBE Five.
Bình Định là một trong 7 tỉnh được Bộ Y tế chọn để thí điểm tiêm chủng loại văcxin mới này.
Có ca sốt nặng tím tái, khó thở
Trong vài ngày vừa qua, liên tiếp có thông tin từ các địa phương Nam Định, Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum báo về là có rất nhiều trường hợp gặp phản ứng sau tiêm chủng văcxin ComBE Five.
Đây là loại văcxin 5 trong 1 mới của Ấn Độ phòng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib, thay thế cho văcxin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc đã ngưng sản xuất.
Theo BS Mỹ, hầu hết các trẻ nhập viện đều bị sốt, có cháu sốt rất cao nhưng bệnh viện đã điều trị tốt nên tất cả đều an toàn.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Hùng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định – thông tin trong đợt tiêm chủng ComBE Five đợt đầu ở tỉnh này vào tháng 10-2018, tiêm cho hơn 970 trẻ thì có khoảng 60 ca bị sốt, trong đó có 1 ca nặng nhưng các bé đều được chăm sóc điều trị kịp thời nên đã khỏe mạnh lại sau đó.
Còn đợt tiêm ngày 25-12 đến nay có khoảng 30 trẻ bị sốt cao, trong đó có 3 trẻ sốt nặng, tím tái, khó thở được điều trị kịp thời, hiện tất cả đã ổn.
Nhiều bé sốt muộn sau 2 tiếng
Theo ông Hùng, so với loại văcxin trước đó thì tiêm văcxin ComBE Five số trẻ bị sốt cao nhiều hơn.
“Những ca nặng được nhận định là do phản ứng với văcxin chứ không phải sốc phản vệ. Còn những ca khác thì sốt thông thường, bởi khi tiêm văcxin là đưa kháng nguyên vào, cơ thể tạo kháng thể chống lại kháng nguyên đó nên gây sốt.
Tùy cơ địa từng bé mà có bé sốt nhẹ, có bé sốt nặng, cũng có bé bị sốt cao gây co giật. Trẻ tiêm văcxin xong thường bị sốt, điều đó cũng không nên quá lo lắng” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết điều lưu ý đặc biệt là văcxin ComBE Five thường gây sốt muộn cho trẻ, khoảng 2-3 giờ sau khi tiêm, trong khi quy định trước nay là nếu trong vòng 30 phút sau tiêm mà trẻ không có phản ứng gì khác thường thì được cho là an toàn.
Do vậy, cha mẹ cần quan sát, theo dõi trẻ sau khi tiêm văcxin này. Nếu bé sốt cao, có biểu hiện bất thường thì nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-12, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết ngoài 12 tỉnh thành đã tiêm cho gần 70.000 trẻ trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2018, tháng 1-2019 sẽ có 51 tỉnh thành tiếp tục tiêm chủng cho trẻ bằng văcxin ComBE Five. Đây là loại văcxin có số mũi tiêm hàng năm rất lớn (khoảng 5 triệu mũi/năm), nhiều nhất trong số các loại văcxin sử dụng tại Việt Nam.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm
Mới đây, có hai trẻ em ở Nam Định tử vong sau hai ngày được tiêm chủng bằng văcxin ComBE Five. Hai trẻ đã tử vong sau 36-48 giờ được tiêm văcxin ComBE Five. Các trẻ này đều đã được khám sàng lọc trước tiêm, được tiêm văcxin ComBE Five và uống văcxin bại liệt tại trạm y tế.
Sau tiêm các bé đều được theo dõi 30 phút tại trạm theo đúng quy chế và không ghi nhận biểu hiện bất thường trong 30 phút này. Tuy nhiên sau khi về nhà từ 1-2 ngày, thấy trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế. Sáng hôm sau, khi thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa đến bệnh viện huyện nhưng hai bé đã tử vong.
Bộ Y tế đã công bố kết luận của hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nam Định rằng không có liên quan đến chất lượng văcxin và thực hành tiêm chủng, hai trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân.