Ngày 30/10/2016, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo về kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika lần 1 của trường hợp trẻ có dấu hiệu đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh (EOC) để xem xét, đánh giá tình hình dịch bệnh do vi rút Zika. Sau đó, Bộ Y tế đã có thông báo nâng mức cảnh báo với bệnh do vi rút Zika để đáp ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Đồng thời, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi thực địa điều tra các yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 của trẻ và những người sống chung hoặc sống gần với bệnh nhân để tiến hành các biện pháp xác định nguyên nhân.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp với Văn phòng EOC ngày 18/10/2016
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/10/2016 tiếp tục phát hiện kháng thể IgM kháng đặc hiệu vi rút Zika và kháng thể trung hoà vi rút Zika trong mẫu huyết thanh của trẻ và mẹ của trẻ cũng như trong mẫu huyết thanh của những người sống cùng nhà (bố, bà, cậu và chị nuôi của trẻ), những trường hợp khác sống không cùng nhà có kết quả xét nghiệm âm tính. Qua điều tra dịch tễ cho thấy về biểu hiện bệnh chỉ có người mẹ có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh vào lúc có thai 3 tháng. Chưa phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây dị tật đầu nhỏ từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia.
Sau khi có kết quả xét nghiệm lần 2, ngày 26/10/2016 Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức cuộc họp trực tuyến với Văn phòng WHO khu vực tại Manila, Philippines và Văn phòng WHO Thái Lan để xác định nguyên nhân trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ.
Qua quá trình xém xét về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ và dựa trên kinh nghiệm của WHO cũng như việc xác định 02 trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika tại Thái Lan, Hội nghị đi đến kết luận: đây là trường hợp trẻ có triệu chứng dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng nghi liên quan đến vi rút Zika và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện tại, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, trước thực trạng trường hợp trẻ có biểu hiệu đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo:
– Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
– Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.
– Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm vi rút Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.
– Toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết lần 2 theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển; chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thông tin chi tiết, tham khảo tại Website của Cục Y tế dự phòng: vncdc.gov.vn và Bộ Y tế: moh.gov.vn.